Câu hỏi hồi sinh cuộc hôn nhân sắp tan vỡ
21/11/2016Lời trối trăng của mẹ
01/04/2017
Julius Caesar có thể nói là một trong những danh tướng lẫy lừng, một thiên tài quân sự và là chính trị gia tài ba không chỉ ở thời La Mã cổ đại mà còn là niềm gợi hứng cho nhiều thế hệ sau.
Caesar chưa từng là hoàng đế như nhiều người lầm tưởng. Mặc dù sau khi ông mất đi, tên ông trở thành đế hiệu. Với những cuộc chinh phạt xứ Gaul cũng như vượt biển Manche để tiến đến xứ Britannia, ông trở thành niềm tự hào của người La Mã cổ đại.
Tờ Business Insider đã điểm qua các tác phẩm của chính Julius Caesar để đưa ra 7 bài học hữu ích dành cho các nhà lãnh đạo.
1. Khả năng thuyết trình
Các nhà lãnh đạo tài ba nhất không chỉ làm nên những điều tuyệt vời mà họ còn biết cách kể những câu chuyện đầy tính thuyết phục.
Sau cuộc chinh phạt vua Pharnacles II xứ Pontus, Caesar phải viết thư báo cáo cho Rôma biết chi tiết cuộc chinh phạt của ông. Theo sử gia Hy Lạp Plutarch và sử gia La Mã Suetonius, vị tướng tài ba đã không đi vào chi tiết, mà viết ngắn gọn bằng câu nói bất hủ: “Ta đã đến, ta đã thấy và ta đã chinh phục”.
Caesar có thể kể tường tận trận đánh quả cảm của binh lính ông – vì ông thực sự là tác giả nhiều hồi ký chiến tranh – nhưng thay vào đó, ông chọn một câu ngắn gọn nhưng hàm chứa thông điệp mạnh mẽ. Dĩ nhiên câu nói này lưu danh muôn đời!
2. Dám liều
Thời La Mã cổ đại, việc đội quân vượt sông Rubicon cũng là cả một vấn đề. Nó tương đương với việc tuyên bố chiến tranh và có thể bị phạt đến chết.
Khi Carsar vượt sông Rubicon cùng với đội quân của ông, nghĩa là ông đặt ván bài được ăn cả ngã về không. Trong tác phẩm, “Cuộc sống của Julius thần thánh”, Suetonius viết, Caesar đã trích câu nói trong vở kịch Anthen khi ông vượt sông, “Xúc xắc đã gieo” – định mệnh đã an bài!
Ông đã liều và đã vượt thắng.
3. Hãy khởi sự từ những việc nhỏ
Theo lẽ thường, bạn có xu hướng bắt con cá to trong hồ nhỏ để trở thành nhà lãnh đạo.
Carsar hiểu điều này. Ông nỗ lực vươn lên vị trí lãnh đạo, sau khi bị tước quyền thừa kế trong một cuộc đảo chính.
Theo tác phẩm”Parallel Lives” của sử gia Plutarch, vị tướng tài ba cũng để lại câu nói để đời khi vượt qua một ngôi làng nhỏ thuộc dãy núi Alps: “Ta cam đoan với các ngươi ta thà ở đây làm vị đứng đầu hơn làm người thứ hai tại Rôma”.
4. Chẳng có gì là vĩnh cửu
Là vị tướng lãnh dày dạn kinh nghiệm, Caesar thừa hiểu các thế trận có thể thay đổi trong phút chốc. Theo Bill Yonne trong tác phẩm “Julius Caesar: Lesson in Leadership from Great Conquerer”, Caesar từng viết rằng “trong chiến tranh, các biến cố quan trọng là hệ quả của những nguyên nhân tầm thường”.
Nghỉ ngơi trên đỉnh vinh quang chưa bao giờ là một ý tưởng đúng đắn vì mọi thứ có thể biến đổi thành những điều tệ hại nhất.
5. Đừng bao giờ tự lừa phỉnh chính bản thân
Giả như bạn là nhà lãnh đạo thành công, đừng bao giờ đi tới chỗ bạn bắt đầu mua những thứ vô nghĩa của riêng bản thân.
Trong tác phẩm của chính ông về Chiến tranh xứ Gaul, khi phân tích sai lầm mang tính chiến thuật của kẻ thù xứ Gaul, Julius Carsar kết luận: “trong hầu hết các trường hợp, đàn ông sẵn sàng tin vào những gì họ mong ước”.
Các nhà lãnh đạo tài ba nhất hành sử theo lý trí và không để xúc cảm hoặc tiên kiến chi phối quyết định của họ. Bản năng và cảm giác đều quan trọng như nhau tuy nhiên nhà lãnh đạo tài ba biết tận dụng cả hai chứ không nghiêng chiều về một bên.
6. Đừng chọn sống dễ dãi
Cho dù mọi thứ có vẻ ổn nhưng nhà lãnh đạo tài ba đừng bao giờ xem thường việc tiên liệu các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trong chính tác phẩm của mình “Commentaries on the Gallic Wars”, Caesar viết: “Các vị thần bất tử có thói quen cho phép những ai họ muốn trừng phạt vì tội của họ, đôi khi có được sự giàu có và miễn hình phạt lâu dài là để họ chịu đựng sự khốc liệt hơn khi tình thế đổi nghịch.”
Nói chung, nếu bạn gặp may, hãy cẩn trọng. Caesar đáng lẽ phải tuân thủ nghiêm nhặt chính lời khuyên này của ông. Nhưng thay vào đó, khi trở thành nhà độc tài, ông đã để cho cuộc âm mưu đảo chính diễn ra âm thầm và kết quả là ông bị ám sát.
7. Đừng đánh giá thấp bản thân
Để lãnh đạo, bạn cần tin vào chính khả năng bản thân. Đây chính là điều mà Julius Carsar dường như chưa bao giờ thiếu.
Theo sử gia Plutarch, khi còn trẻ Caesar từng bị đám hải tặc vùng Địa Trung Hải bắt cóc. Đầu tiên, khi hải tặc yêu cầu số tiền chuộc lên tới 20 talent, Caesar đã phá lên cười. Đám hải tạc không biết mình đang bắt cóc một người dám nói dám làm. Caesar nói ông tình nguyện trả tới 50.
Caesar hứa với hải tặc ông sẽ tự tay giết từng tên hải tặc một khi ông tự do. Sau khi được chuộc ra, ông đã dong buồm, săn tìm từng tên hải tặc và giết đúng như ông hứa.
Hoàng Nguyễn lược dịch